Chi phí sản xuất là gì? Phân loại chi phí sản xuất

7 min read

7 months ago

Tin tức

Chi phí sản xuất là một khái niệm quan trọng trong hoạt động kinh doanh, đóng vai trò thiết yếu trong việc xác định giá thành sản phẩm, đánh giá hiệu quả hoạt động và đưa ra chiến lược phát triển phù hợp. Bài viết này sẽ cung cấp những thông tin về chi phí sản xuất, bao gồm định nghĩa, phân loại và tầm quan trọng của nó.

Định nghĩa chi phí sản xuất

Chi phí sản xuất (hay chi phí chế tạo sản phẩm) là số tiền mà doanh nghiệp phải chi trả cho các nguyên vật liệu, đối tượng lao động cũng như sức lao động của con người được sử dụng hay phát sinh trong quá trình sản xuất.

Hay nói cách khác, chi phí sản xuất là toàn bộ các khoản chi phí liên quan tới hoạt động sản xuất sản phẩm của doanh nghiệp và thường bao gồm: Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp và chi phí sản xuất chung.

Các doanh nghiệp thường tính chi phí sản xuất dựa vào công thức cơ bản dưới đây:

Chi phí sản xuất = Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp + Chi phí nhân công trực tiếp + Chi phí sản xuất chung phát sinh từ khi bắt đầu đến khi kết thúc quá trình sản xuất

Phân loại chi phí sản xuất

Để phục vụ cho công tác quản lý chi phí sản xuất đảm bảo tính dễ dàng nhận biết, đồng thời nâng cao hiệu quả sản xuất cho doanh nghiệp, phân loại chi phí sản xuất có thể được tiến hành dựa trên các tiêu thức dưới đây:

Phân loại chi phí sản xuất theo yếu tố chi phí

Cách thức phân loại này dựa trên nội dung, tính chất kinh tế ban đầu của chi phí sản xuất để sắp xếp sao cho phù hợp. Các chi phí phát sinh có cùng nội dung, tính chất kinh tế ban đầu vào một yếu tố chi phí mà không phân biệt công dụng kinh tế của chi phí đã phát sinh. Chi phí sản xuất được phân loại theo yếu tố chi phí gồm 5 loại:

  • Chi phí nguyên vật liệu: Bao gồm giá mua, chi phí mua của các loại nguyên liệu, vật liệu chính, vật liệu phụ, nhiên liệu, phụ tùng thay thế, công cụ dụng cụ xuất dùng vào hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ của doanh nghiệp.

  • Chi phí lao động: Các chi phí về tiền lương phải trả cho nhân công, các khoản trích bảo hiểm, kinh phí công đoàn theo tiền lương của người lao động.

  • Chi phí khấu hao tài sản cố định: Gồm chi phí khấu hao toàn bộ tài sản cố định dùng vào hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ báo cáo.

  • Chi phí dịch vụ mua ngoài: Bao gồm mọi chi phí doanh nghiệp đã chi trả về các loại dịch vụ mua từ bên ngoài như tiền điện, nước, điện thoại, vệ sinh và các dịch vụ khác phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh tại kỳ báo cáo.

  • Chi phí khác bằng tiền: Toàn bộ chi phí khác dùng cho hoạt động sản xuất kinh doanh chưa được phản ánh ở các chỉ tiêu trên và được chi bằng tiền trong kỳ báo cáo.

Phân loại chi phí sản xuất theo công dụng kinh tế

Chi phí sản xuất theo cách phân loại này được chia thành ba khoản mục chi phí sau:

  • Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp: Bao gồm chi phí về nguyên vật liệu chính, vật liệu phụ sử dụng trực tiếp cho hoạt động sản xuất.

  • Chi phí nhân công trực tiếp: Bao gồm các khoản phải trả cho người lao động trực tiếp sản xuất sản phẩm, dịch vụ như: Lương, phụ cấp và các khoản trích theo lương…

  • Chi phí sản xuất chung: Gồm những chi phí phát sinh tại phân xưởng chưa được liệt kê ở hai khoản mục trên. Chi phí sản xuất chung bao gồm chi phí sản xuất chung cố định (những chi phí sản xuất gián tiếp, thường không thay đổi theo số lượng sản phẩm sản xuất) và chi phí sản xuất chung biến đổi (thay đổi trực tiếp hoặc gần như trực tiếp theo số lượng sản phẩm sản xuất).

Phân loại chi phí sản xuất theo mối quan hệ giữa chi phí sản xuất với khối lượng sản phẩm, lao vụ sản xuất trong kỳ

Chi phí sản xuất theo mối quan hệ giữa chi phí sản xuất với khối lượng sản phẩm, lao vụ sản xuất trong kỳ gồm hai loại:

  • Chi phí biến đổi: Là những chi phí có sự thay đổi về lượng tương quan tỉ lệ thuận với sự thay đổi của khối lượng sản phẩm sản xuất trong kỳ, ví dụ: Chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp.

  • Chi phí cố định: Là những chi phí không thay đổi về tổng số khi có sự thay đổi khối lượng sản phẩm sản xuất trong mức độ nhất định. Điển hình của loại chi phí này là chi phí khấu hao tài sản cố định theo phương pháp bình quân.

Phân loại chi phí sản xuất theo phương pháp tập hợp chi phí và mối quan hệ với đối tượng chịu chi phí

Cách phân loại này chia chi phí sản xuất thành hai loại:

  • Chi phí trực tiếp: Bao gồm những khoản chi phí sản xuất có quan hệ trực tiếp đến việc sản xuất ra một loại sản phẩm, dịch vụ nhất định.

  • Chi phí gián tiếp: Là những khoản chi phí có liên quan đến nhiều loại sản phẩm, dịch vụ.

Ý nghĩa của chi phí sản xuất

Chi phí sản xuất đóng một vai trò quan trọng đối với hoạt động của doanh nghiệp:

  • Xác định giá thành sản phẩm hiệu quả: Chi phí sản xuất giúp doanh nghiệp xác định được mức giá thành của sản phẩm hoặc dịch vụ, đảm bảo rằng giá bán bao gồm tất cả chi phí sản xuất và có thể tạo lợi nhuận.

  • Quản lý hiệu quả chi phí: Để duy trì lợi nhuận và lợi thế cạnh tranh, doanh nghiệp cần quản lý, kiểm soát chi phí sản xuất một cách hiệu quả, tìm cách tiết kiệm, tối ưu hóa các nguồn lực.

  • Ra quyết định kinh doanh nhanh chóng: Thông tin về chi phí sản xuất cung cấp cho doanh nghiệp dữ liệu để ra quyết định kinh doanh quan trọng. Nhà quản lý có thể xác định sản phẩm nào nên tiếp tục sản xuất, sản phẩm nào nên ngừng sản xuất hoặc nâng cao chất lượng và hiệu suất sản phẩm.

  • Đánh giá hiệu suất: Chi phí sản xuất cũng được sử dụng để đánh giá hiệu suất của doanh nghiệp. Bằng cách so sánh các chỉ số chi phí dự kiến và với các đối thủ cạnh tranh, doanh nghiệp có thể đánh giá mức độ hiệu suất thực tế.

  • Lập kế hoạch tài chính: Thông tin về chi phí sản xuất là một phần quan trọng hỗ trợ nhà quản trị lập kế hoạch tài chính của doanh nghiệp, xác định các nguồn tài chính cần thiết, duy trì hoạt động sản xuất và phát triển kinh doanh.

  • Tối ưu hóa quá trình sản xuất: Bằng cách hiểu và phân tích chi phí sản xuất, doanh nghiệp có thể tìm cách tối ưu quy trình, giảm lãng phí, tăng hiệu suất và cải thiện chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ.

Chi phí sản xuất là một khía cạnh quan trọng trong quản lý tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Chi phí này ảnh hưởng lớn đến khả năng tồn tại và phát triển của doanh nghiệp trong thị trường. Do đó, doanh nghiệp phải quản lý chi phí sản xuất một cách hiệu quả nhất.