Cách mạng hóa ngành sản xuất với Blockchain

9 min read

8 months ago

Tin tức

Blockchain, công nghệ ghi chép dữ liệu phi tập trung, đang tạo nên những làn sóng đổi mới mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, và ngành sản xuất cũng không ngoại lệ. Với khả năng mang đến sự minh bạch, an toàn và hiệu quả, blockchain hứa hẹn sẽ thay đổi hoàn toàn cách thức hoạt động của ngành sản xuất trong tương lai.

Định nghĩa Blockchain

Công nghệ Blockchain có thể được hiểu một cách đơn giản là công nghệ chuỗi – khối. Khái niệm “khối” ở đây đại diện các dữ liệu được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu phi tập trung hay còn gọi là “chuỗi”.

Cụ thể hơn, Blockchain bao gồm một sổ cái phân cấp các giao dịch nơi tất cả người dùng, được gọi là các nút, đều có quyền truy cập trong lĩnh vực kỹ thuật số. Blockchain sở hữu rất nhiều nút độc lập có khả năng xác thực thông tin trong truyền tải dữ liệu mà không đòi hỏi việc xác nhận thông tin từ bên thứ ba.

Bất cứ khi nào có sự thay đổi được thực hiện trên sổ cái, các nút thực hiện thay đổi sẽ hiển thị cho tất cả người dùng trong khi các nút khác trên mạng lưới phải xác nhận thay đổi. Sau đó, khi thay đổi được chấp thuận xác nhận thời gian, được mã hóa và được thêm vào chuỗi khối đang có và không thể bị thay đổi bởi bất kỳ bên nào. Chính vì vậy, các dữ liệu được lưu trữ trên nền tảng blockchain có tính bảo mật và ổn định rất cao. Cho dù một phần của hệ thống Blockchain sụp đổ, máy tính và các nút khác sẽ tiếp tục bảo vệ và giữ các dữ liệu đó để mạng lưới tiếp tục hoạt động.

Ứng dụng blockchain trong sản xuất

Z5289339858152 9dba1eeeb9987233d134b455b5ecb776

Blockchain có nhiều ứng dụng trong lĩnh vực sản xuất, giúp quản lý và theo dõi các khâu trong quy trình sản xuất và phân phối sản phẩm một cách minh bạch, an toàn và hiệu quả.

Một số ứng dụng blockchain trong sản xuất là:

 

  • Quản lý chuỗi cung ứng

Công nghệ chuỗi khối đang được ứng dụng cho một trong những hoạt động khó nhất trong hoạt động sản xuất là quản lý chuỗi cung ứng. Blockchain tăng cường chức năng theo dõi và quản lý để xác định vị trí trong quá khứ và hiện tại của vật liệu, bộ phận và sản phẩm được sử dụng trong các quy trình hàng ngày. Khả năng theo dõi và truy xuất nguồn gốc của sản phẩm cũng được cải thiện do khả năng cung cấp hệ thống dữ liệu đồng bộ từ đầu đến cuối cho từng bộ phận và sản phẩm của công nghệ, đảm bảo độ chính xác và giảm lỗi trong quá trình sản xuất.

  • Các hợp đồng thông minh

Công nghệ blockchain đang tạo điều kiện cho các hợp đồng thông minh phát triển và có khả năng thay đổi bộ mặt sản xuất. Thay vì sử dụng các hợp đồng giấy hoặc các phiên bản số hóa của hợp đồng giấy, các hợp đồng thông minh tồn tại dưới dạng một chương trình máy tính trên nền tảng blockchain. Hợp đồng là không thể thay đổi, không bị tác động bởi các bên trung gian và tất cả các bên đều có quyền truy cập vào hợp đồng mọi lúc.

Bên cạnh đó, ứng dụng các hợp đồng thông minh có nghĩa khả năng tự động hóa các hoạt động kinh doanh phức tạp trong hợp đồng cũng tăng lên. Dữ liệu trong các điều khoản và điều kiện, được lưu giữ trong chuỗi khối, có thể được sử dụng để theo dõi hàng tồn kho, giám sát chuỗi cung ứng, lên kế hoạch và xử lý thanh toán…Việc chuyển đổi các quy trình trên từ hình thức thủ công sang các tác vụ tự động giúp doanh nghiệp vừa tiết kiệm thời gian, công sức và tiền bạc. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực cho các hoạt động thủ công cũng được giảm thiểu và doanh nghiệp có thể tận dụng họ cho những công việc cần thiết hơn.

  • Điều hành khu vực sản xuất

Khu vực sản xuất được cho là vị trí quan trọng nhất tại bất kỳ doanh nghiệp sản xuất nào và cũng là một trong những địa điểm khó tối ưu hóa nhất. Nhưng công nghệ blockchain có thể giúp doanh nghiệp hợp lý hóa các hoạt động tại nơi đây. Ví dụ, các chương trình blockchain đang được sử dụng để theo dõi và báo cáo trạng thái hoạt động của từng máy móc riêng lẻ, cho phép người vận hành truy cập vào các dữ liệu quan trọng theo thời gian thực để có thể thực hiện hoạt động bảo trì theo lịch trình thay vì bảo trì khẩn cấp tốn kém.

Công nghệ này thậm chí có thể được sử dụng để tự động hóa dịch vụ cho máy móc với quy trình được gọi là bảo trì do máy móc kiểm soát. Với bảo trì được kiểm soát bởi máy móc, nhà sản xuất sẽ cùng với người cung cấp dịch vụ bên thứ ba cài đặt phần mềm dùng chung, bao gồm cả hệ thống blockchain, giám sát máy móc thông qua bộ đôi kỹ thuật số của máy nhất định. Giám sát trên nền tảng chuỗi khối có thể phát hiện khi nào cần bảo trì theo lịch trình, tạo yêu cầu dịch vụ, đặt hàng bất kỳ bộ phận nào cần thiết cho máy và xử lý thanh toán sau khi đơn đặt hàng được hoàn thành mà không cần các tác động của con người.

  • Kiểm soát chất lượng và tuân thủ quy định sản xuất

Tính bảo mật của công nghệ chuỗi khối và khả năng theo dõi một phiên bản thông tin duy nhất của công nghệ blockchain đáp ứng nhu cầu tuân thủ quy định và kiểm soát chất lượng trong một doanh nghiệp sản xuất. Khả năng giám sát hoạt động máy móc, theo dõi và truy tìm chính xác vật liệu và thành phần giúp hợp lý hóa quy trình kiểm soát chất lượng bằng cách giảm thiểu các lỗi. Điều này giúp số lượng sản phẩm bị thu hồi ít hơn, ít lãng phí hơn và tăng doanh thu tổng thể.

Hơn nữa, sổ cái trên blockchain tạo ra một bản ghi dữ liệu bất biến về máy móc, quy trình, vật liệu và hơn thế nữa. Các nhà quản lý nội bộ có thể sử dụng các nhật ký này trong khi đánh giá để đảm bảo cơ sở được an toàn và các quy định đang được tuân thủ. Trong trường hợp có sự thanh tra từ cơ quan nhà nước, các tài liệu đó cũng có thể được cung cấp làm bằng chứng về sự tuân thủ.

Lợi ích của việc ứng dụng Blockchain trong sản xuất

  • Tăng cường khả năng hiển thị chuỗi cung ứng: Blockchain cho phép theo dõi nguồn gốc sản phẩm, xuất xứ nguyên liệu, lịch sử vận chuyển, v.v. một cách minh bạch và chính xác. Nhờ vậy, các doanh nghiệp có thể dễ dàng xác định nguồn gốc sản phẩm, ngăn chặn hàng giả, nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng cường niềm tin của khách hàng.

  • Cải thiện hiệu quả hoạt động: Blockchain giúp tự động hóa các quy trình thủ công, loại bỏ các khâu trung gian, giảm thiểu chi phí và tăng tốc độ sản xuất.

  • Bảo mật dữ liệu: Blockchain sử dụng công nghệ mã hóa tiên tiến để bảo vệ dữ liệu khỏi bị đánh cắp hoặc giả mạo. Nhờ vậy, các doanh nghiệp có thể yên tâm về an toàn thông tin của mình.

  • Tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc: Blockchain cho phép người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc sản phẩm một cách dễ dàng, giúp họ lựa chọn sản phẩm uy tín và an toàn cho sức khỏe.

Với những lợi ích to lớn này, Blockchain được kỳ vọng sẽ trở thành công nghệ chủ đạo trong ngành sản xuất trong tương lai. Việc ứng dụng blockchain sẽ giúp:

  • Nâng cao hiệu quả hoạt động: Giảm thiểu sai sót, lãng phí và chi phí sản xuất.

  • Tăng cường sự minh bạch: Giúp các bên liên quan trong chuỗi cung ứng chia sẻ thông tin một cách an toàn và tin cậy.

  • Thúc đẩy sự phát triển bền vững: Giúp theo dõi và quản lý tài nguyên hiệu quả, giảm thiểu tác động môi trường.

Tuy nhiên, để blockchain phát huy hết tiềm năng của nó trong ngành sản xuất, vẫn còn một số thách thức cần được giải quyết, bao gồm:

  • Khả năng tương tác: Các hệ thống blockchain khác nhau cần được tích hợp để có thể chia sẻ dữ liệu một cách hiệu quả.

  • Quy định: Các quy định liên quan đến việc sử dụng blockchain cần được hoàn thiện để tạo môi trường thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ này.

  • Nhân lực: Cần đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có chuyên môn về blockchain để đáp ứng nhu cầu của ngành sản xuất.

Bất chấp những thách thức này, tương lai của blockchain trong ngành sản xuất vô cùng hứa hẹn. Việc ứng dụng blockchain sẽ giúp ngành sản xuất trở nên hiệu quả, minh bạch và bền vững hơn, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.