8 min read
last year
Tối ưu hóa vòng quay hàng tồn kho sẽ giúp doanh nghiệp tăng doanh thu, giảm chi phí. Bởi khi xác định được chỉ số vòng quay tồn kho, lãnh đạo có thể lên kế hoạch sản xuất, nhập hàng cũng như quản lý số lượng tồn kho cực kỳ dễ dàng. Vậy vòng quay hàng tồn kho là gì và cách tính ra sao? Hãy cùng tìm hiểu trong phần dưới đây.
Vòng quay hàng tồn kho là gì?
Vòng quay hàng tồn kho, tiếng anh là Inventory Turnover là một chỉ số dùng để đo lường số lần doanh nghiệp bán hàng tồn kho của mình trong một thời gian nhất định. Inventory Turnover được xem là chỉ số tài chính quan trọng giúp các nhà lãnh đạo đo lường chính xác khả năng quản trị hàng tồn kho trong toàn bộ hoạt động của một doanh nghiệp.
Vòng quay hàng tồn kho thể hiện số lần doanh nghiệp bán hàng tồn kho trong khoảng thời gian nhất định
Khi muốn phân tích hiệu quả hoạt động kinh doanh, người ta thường tính toán hệ số vòng quay hàng tồn kho để so sánh tỷ lệ giữa hàng đã bán và hàng được nhập vào kho trong cùng một khoảng thời gian nhất định. Từ đó nhà quản lý biết được những mặt hàng nào đang được nhập xuất không hiệu quả để có những cách thức điều chỉnh bán hàng sao cho hiệu quả hơn.
Ý nghĩa vòng quay hàng tồn kho
Như nhiều người đã biết, lượng hàng tồn lớn đồng nghĩa với số vốn “bị giam” trong kho cao. Ngược lai, hàng trong kho không đủ thì việc sản xuất, phân phối sẽ bị gián đoạn. Do đó, cân bằng hàng tồn kho chính là “chìa khóa” tốt nhất để doanh nghiệp vận hành ổn định. Để đảm bảo được yếu tố này, việc tính vòng quay hàng tồn kho là rất quan trọng.
Hệ số vòng quay hàng tồn kho giúp doanh nghiệp:
- Xác định được khả năng quản trị hàng tồn kho của doanh nghiệp thông qua việc so sánh dữ liệu qua các năm
- Hệ số cao cho thấy tốc độ quay vòng của hàng hóa trong kho là nhanh
- Hệ số thấp cho thấy tốc độ quay vòng của hàng hóa trong kho chậm, thấp, tồn kho lớn.
- Tỷ lệ vòng quay hàng tồn kho có thể giúp doanh nghiệp đưa ra quyết định tốt hơn về giá cả, sản xuất, tiếp thị và mua hàng. Đây là một trong những tỷ lệ hiệu quả đo lường mức độ hiệu quả của một công ty sử dụng tài sản của mình.
Cách tính vòng quay hàng tồn kho
Tỷ số vòng quay hàng tồn kho được tính ra bằng cách lấy doanh thu chia cho giá trị hàng tồn kho trung bình trong cùng kỳ.
Công thức tính vòng quay hàng tồn kho:
Vòng quay hàng tồn kho = Doanh thu/Giá trị tồn kho trung bình |
Trong đó:
- Doanh thu là doanh thu tổng của một chu kỳ bán hàng của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp của bạn kiểm soát chỉ số này theo năm thì sẽ lấy tổng doanh thu của cả năm (365 ngày).
- Giá trị tồn kho trung bình là giá trị trung bình của đầu chu kỳ và cuối chu kỳ kiểm kê kho hàng.
Ví dụ về vòng quay hàng tồn kho:
Bài toán thực tế: Tổng doanh thu năm 2021 của doanh nghiệp là 900 triệu và có giá trị tồn kho là 30 triệu đồng.
Áp dụng công thức tính số vòng quay hàng tồn kho ở trên ta được:
Hệ số vòng quay sẽ bằng: 900.000.000 / 30.000.000 = 30. Như vậy có thể thấy rằng bạn đã quay vòng tồn kho 30 lần vào năm 2021.
Số ngày của một vòng quay/năm: 365/30= 12,17. Với những con số này thì bạn có thể hiểu rằng cứ 12,17 ngày thì doanh nghiệp của bạn sẽ được nhập hàng mới. Dựa vào đó thì bạn có thể ước tính được thời gian thích hợp để nhập hàng và có kế hoạch kinh doanh cụ thể hơn.
Vòng quay hàng tồn kho bao nhiêu là tốt?
Đây là câu hỏi thường được đặt ra khi đã tính được vòng quay hàng tồn kho, chỉ số này càng cao thì doanh nghiệp bán hàng càng tốt. Tuy nhiên, cũng sẽ có một số rủi ro xảy ra là doanh nghiệp không đủ nguồn hàng cung cấp cho thị trường nếu nhu cầu của sản phẩm đó đột nhiên tăng mạnh. Khi đó đối thủ cạnh tranh trực tiếp sẽ nhân cơ hội để thu hút một lượng khách hàng lớn của doanh nghiệp
Chỉ số vòng quay hàng tồn kho hợp lý còn dựa vào rất nhiều yếu tố như chủng loại hàng hóa, dòng tiền hay thị trường,… Vì vậy, tùy từng doanh nghiệp mà vòng quay hàng tồn kho sẽ có những chỉ số phù hợp.
Một số yếu tố tác động đến vòng quay hàng tồn kho
- Nhu cầu mua hàng: Đây có lẽ là yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hàng tồn kho. Nếu sản phẩm không được tiếp cận đến đúng khách hàng mục tiêu, không kích thích được nhu cầu mua hàng, doanh nghiệp sẽ khó bán được hàng, khiến vòng quay hàng tồn kho giảm. Vì thế hãy lập kế hoạch marketing đánh đúng vào khách hàng mục tiêu, tăng cường các chương trình khuyến mãi. Điều này sẽ giúp cải thiện đáng kể chỉ số Inventory Turnover.
- Xu hướng mua hàng: Thông thường vào các dịp quan trọng trong năm, chẳng hạn như các ngày lễ tết, nhu cầu thị trường sẽ tăng đột biến. Hãy lường trước xu hướng này để cân đối lại nguồn hàng của doanh nghiệp. Bạn có thể khuyến khích khách hàng đặt hàng trước để doanh nghiệp có thể chuẩn bị được những sản phẩm tốt nhất.
- Phương pháp bán hàng của doanh nghiệp: Nếu khách hàng đã biết đến sản phẩm và có nhu cầu mua hàng nhưng bạn lại không thể kích thích khách hàng mua nhiều hơn thì chỉ số này cũng sẽ không đạt mức mong đợi. Cho nên hãy lên kế hoạch thu hút khách tăng giá trị đơn hàng mỗi lần mua sắm, đào tạo đội ngũ bán hàng chuyên nghiệp để có thể tư vấn, bán chéo thêm nhiều sản phẩm khác, giúp hàng hóa trong kho liên tục được làm mới, từ đó tăng vòng quay hàng tồn kho.
- Gộp những nhóm hàng không có cùng tính chất: Việc bạn tính toán chung toàn bộ mặt hàng mà doanh nghiệp cung cấp sẽ tạo ra một hệ số vòng không chính xác. Những mặt hàng có tỷ lợi sinh lời cao không được chung nhóm với các mặt hàng có tỷ suất sinh lời thấp. Nếu không thì vòng quay hàng tồn kho không còn chính xác nữa.
6 Cách tối ưu hóa vòng quay hàng tồn kho
Dưới đây là 6 cách bạn có thể làm để tối ưu vòng quay hàng tồn kho cho doanh nghiệp:
Kích thích nhu cầu mua sắm: Bằng cách tạo ra các chương trình tiếp thị khuyến mãi, ưu đãi, tặng quà,… cho khách hàng, doanh nghiệp có thể nâng cao chỉ số vòng quay hàng tồn kho.
Phân chia nhóm hàng: Doanh nghiệp cần chia thành 1 nhóm hàng bán chạy và hàng bán chậm, qua đó để có chính sách nhập hàng và bán hàng chính xác cho mỗi nhóm.
Tăng giá trị đơn hàng: Phân tích về các yếu tố có thể làm tăng giá trị cho đơn hàng như chiến lược về giá, đào tạo nhân viên chăm sóc khách hàng, bán hàng, bán thêm, bán chéo,…
Làm việc với nhà cung cấp để có giá nhập thấp: Thương lượng với các bên cung cấp để có giá nhập hàng tốt nhất.
Sử dụng phần mềm để cải thiện dự báo: Số lượng bán hàng và báo cáo hàng tồn kho cung cấp nhiều dữ liệu cứng cần thiết giúp dự báo hàng tồn kho chính xác hơn. Dữ liệu này cũng có thể giúp lập kế hoạch bán hàng trong tương lai, chẳng hạn như các chính sách mua 1 tặng 1 để đẩy hàng tồn kho bán chậm.
Xây dựng chiến lược giá: Giá cả là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến mức độ tiêu thụ của hàng hóa. Vì vậy, doanh nghiệp cần xem xét lại các chiến lược giá và phân tích tác động của từng chiến lược đến doanh số bán hàng. Nếu không có chiến lược cụ thể, việc giảm giá cũng chưa chắc có thể làm gia tăng doanh số và khách hàng có thể chỉ mua sản phẩm của doanh nghiệp khi nhận được ưu đãi. Do đó, doanh nghiệp cần tính toán đến các phương án mang tính lâu dài hơn. Ví dụ như: Phí bảo hiểm, thương lượng, theo mùa, hình thức giao hàng, các mức giá khác nhau cho các đối tượng khác nhau, chi phí cộng với giá cả (tiền thưởng và giá trị gia tăng với đơn hàng), chiến lược giá phổ biến với giá tiền,…